Kết Nối Cộng Đồng - Nâng Tầm Văn Hóa
HOTLINE:
  • 0969.084.985

Những trò chơi dân gian không thể thiếu trong ngày Tết Trung Thu

06-09-2020, 7:28 am

Tết Trung Thu sắp về, không khí đất trời trở nên rộn ràng hơn. Lòng người bỗng bồi hồi nhớ về những kỉ niệm tuổi thơ đón tết Thiếu nhi.

Tết Trung thu còn được coi là một trong những ngày tết Thiếu nhi được trẻ em mong chờ nhất. Những chiếc đèn Ông sao lung linh nhiều màu sắc, mâm ngũ quả hấp dẫn đủ mùi vị và màn múa rồng điêu luyện, náo nhiệt... chắc chắn sẽ làm cho các bé vô cùng thích thú. Những bữa tiệc Trung thu đông vui, ý nghĩa sẽ để lại trong tuổi thơ của bé những kỷ niệm tốt đẹp về ngày lễ đặc biệt này. Hãy kết hợp một số gợi ý tổ chức trò chơi dưới dây để tạo ra một bữa tiệc Trung thu hoành tráng và khó quên cho các bé nhé.

 

 

1. Tự làm bánh Trung thu

Trẻ em luôn tò mò những thứ mới lạ, hơn nữa bánh Trung thu lại là món ăn ưa thích của các bé. Việc tổ chức cho các em thiếu nhi cùng nhau làm bánh Trung thu sẽ khiến các bé thích thú. Đây cũng là hoạt động giúp các em hiểu thêm về món bánh cổ truyền của dân tộc. Bạn hãy chuẩn bị sẵn các nguyên liệu và cho các em thi đua với nhau, người làm chiếc bánh ngon nhất, đẹp nhất sẽ được khen thưởng và tặng quà. Hoặc chia đội cho các bé, thi xem đội nào làm được nhiều bánh nhất. Như vậy, không khí của trò chơi sẽ rất náo nhiệt, vui tươi.

 

2. Tự làm đèn lồng Trung thu

Rước đèn lồng là một trong những hoạt động không thế thiếu của người Việt trong dịp tết Trung thu. Ngày nay, có quá nhiều loại đồ chơi Trung thu, đèn lồng điện tử hiện đại tràn lan trên thị trường khiến cho các em nhỏ không được tiếp xúc nhiều với các loại đèn Trung thu truyền thống. Chính vì thế mà các loại đèn Trung thu của Việt Nam như: đèn Ông Sao, đèn kéo quân, đèn cù, đèn con cá... dần bị lãng quên. Sẽ rất ý nghĩa và thú vị nếu bạn mời các nghệ nhân đến dạy cho các bé cách làm những chiếc đèn lồng truyền thống đơn giản. Đến tối, các bé sẽ rước đèn bằng chính chiếc đèn lồng mình đã làm ra.

Đèn Trung thu
Tự làm đèn Ông sao chơi Trung thu (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Nếu địa điểm bạn tổ chức Trung thu cho các bé đủ rộng thì bạn có thể cho các bé cùng nhau làm một chiếc đèn Ông sao, đèn kéo quân khổng lồ hay một chiếc đèn trời thật to để các bé cùng nhau thả lên trời. Cách làm đèn ông sao bạn có thể tham khảo tại đây: Cách làm đèn ông sao truyền thống chơi Trung thu

 

3. Tự trang trí mâm ngũ quả Trung thu

Những hình thù ngộ nghĩnh, đáng yêu luôn thu hút sự chú ý của trẻ em. Thay vì tự mình chuẩn bị mâm ngũ quả cúng Trăng đêm Trung thu, bạn hãy tạo nó thành một trò chơi cho các bé. Những hoạt động như vậy vừa giúp cho các bé vui Trung thu mà còn mang ý nghĩa giáo dục thiết thực.

 

4. Các trò chơi tập thể

Các trò chơi vận động thể chất này sẽ khiến cho không khí ngày Trung thu sôi động, náo nhiệt hơn. Chắc chắn sẽ giúp bạn tổ chức một ngày tết Trung thu cực vui không chỉ cho trẻ em mà người lớn cũng sẽ thấy thú vị. Một số trò chơi tập thể có thể chơi trong dịp Trung thu như:

  • Múa Lân

Múa Lân Tết Trung Thu là một tục lệ xuất xứ từ Trung Hoa có từ hàng ngàn năm trước. Theo dân gian, Kỳ Lân là con vật thần thoại huyền bí, mình hươu, móng ngựa, đuôi bò, miệng rộng, mũi to, có một sừng trên trán, lông trên lưng màu ngũ sắc, lông dưới bụng màu vàng.

Đó là con vật rất hiền (còn gọi là nhân thú), không đạp lên cỏ cây, không làm hại vật sống. Kỳ Lân chỉ xuất hiện khi có Thánh nhân ra đời hoặc dưới thời thái bình thịnh trị.

Trò chơi Múa lân. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Như vậy trò múa Lân trong đêm Trung Thu tượng trưng cho sự xuất hiện của Kỳ Lân, cũng là sự cầu mong đất nước thái bình, thịnh trị, nhà nhà gặp nhiều may mắn.

Hãy chuẩn bị 1 cái trống cỡ vừa, vẽ mặt nạ lân, ông địa, thần tài. Hướng dẫn trẻ vào vai diễn và chạy vòng theo nhịp trống để tạo không khí sôi động trước khi bắt đầu các trò chơi khác.

  •  Rước đèn ông sao

Rước đèn lồng là một trong những hoạt động không thế thiếu của người Việt trong dịp tết Trung thu. Là cách thức tổ chức cho trẻ em cùng nhau rước đèn đi khắp thôn, xóm, khu phố trong đêm Trung Thu vừa hát bài "Chiếc đèn ông sao". Lễ hội rước đèn có thể được phát động bởi chính quyền địa phương hoặc những nhóm thanh niên trong làng xóm.

Trò chơi Rước đèn ông sao. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Họ phân công nhau làm những lồng đèn ông sao thật lớn hoặc những lồng đèn thật đẹp để thi thố với nhau trong lễ rước đèn. Cùng đèn ông sao, ngày nay, đèn được làm đa dạng với các hình thù khác nhau: đèn ông sư, đầu sư tử, đèn hình con cá, hình con thỏ…

Các loại mặt nạ tinh nghịch. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Cùng với rước đèn, mỗi em thiếu nhi cầm trên tay một đồ chơi tinh nghịch cho riêng mình như: gậy Tôn hành giả, mặt nạ các nhân vật hoạt hình khác nhau (Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Bạch Cốt Tinh...), thường được làm bằng bìa hoặc bằng giấy bồi.             

  •  Mèo đuổi chuột
Trò chơi Mèo đuổi chuột (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Cả nhóm (6-7 em trở lên) cử ra (hoặc “oẳn-tù-tỳ”) 01 em làm chuột. Còn lại là mèo, ngồi bệt thành vòng tròn quay mặt vào tâm, hai tay quơ ra phía sau lưng đón mồi. Em “chuột” cầm chiếc khăn (mồi) chạy quanh ngoài vòng tròn và kín đáo thả khăn sau lưng một “mèo” nào đó, cố gắng đừng để mèo đó biết…

Chạy hết một vòng, nếu chuột phát hiện thấy mèo kia chưa biết có khăn mồi sau lưng, thì chuột có quyền cầm khăn mồi lên mà quất mạnh vào vai, vào lưng của chú mèo mất cảnh giác… Mèo bị thua phải đứng dậy chạy quanh tránh đòn, rồi về ngồi lại chỗ cũ thì thoát.

Nếu mèo ranh ma hơn mà phát hiện khăn mồi sau lưng, thì cầm khăn đứng lên và lao đi đánh đuổi chuột kia quanh vòng tròn. Chuột tránh đòn phải chạy nhanh hết vòng và ngồi vào vị trí của mèo bỏ lại mới thoát.

Trò chơi cứ thế liên tục với “chú chuột” mới chính là… “mèo” thắng cuộc.

  •  Rồng rắn lên mây
Trò chơi Rồng rắn lên mây. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Từ 5 em trở lên, một trẻ đóng vai “ông chủ” và ngồi một chỗ. Những trẻ còn lại nối đuôi, vừa đi vừa đọc: “Rồng rắn lên mây. Có cái cây lúc lắc. Có cái nhà điểm binh. Có ông chủ ở nhà không?” rồi dừng lại trước mặt ông chủ. Ông chủ trả lời “có” hoặc “không”. Nếu nghe trả lời “không”, trẻ sẽ đi và tiếp tục đọc những câu trên. Nếu trả lời “có”, trẻ sẽ hỏi: "Ông xin khúc nào?" Ông chủ có thể nói: "Cho xin khúc giữa/đuôi?" Cả nhóm: “Tha hồ mà đuổi”.

Sau câu trả lời đó, ông chủ chạy sao cho chạm được “khúc” (người) mà mình đã xin. Những người đứng đầu nhóm dang tay che cho người được xin không bị bắt. Nếu ông chủ bắt được, người đó sẽ làm ông chủ và chơi lại từ đầu.

  • Đốt pháo hạt bưởi

Đốt pháo hạt bưởi là trò chới rất thú vị. Nó khiến cho mỗi đữa trẻ phải cười vang khi chơi vì thích thú. Sắp đến trung thu là sau mỗi lần ăn bưởi những đứa trẻ lại nhanh chóng thu lại những hạt bưởi để đem đi phơi.

Trò chơi Đốt pháo hạt bưởi. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Sau khi đã tích trữ được một lượng hạt bưởi kha khá chúng sẽ kiếm những sợi dây thép nhỏ để xâu chuỗi những hạt bưởi thành các tràng dài. Những tràng hạt này sẽ được buộc vào một cái gậy để làm tay cầm, tránh bị bỏng khi chơi. Trong hạt bưởi có tinh dầu nên khi đốt nó tỏa ra một hương thơm vô cùng dễ chịu. Những đứa trẻ lại thi nhau hít hà rồi nhìn nhau cười đầy thích thú.

 

5. Hóa trang thành nhân vật đêm Trung thu

Mặt nạ hóa trang đêm Trung thu
Các loại mặt nạ hóa trang đêm Trung thu (Ảnh: Nguồn Internet)

Chị Hằng, chú Cuội, chú Tễu... là những nhân vật quen thuộc trong ngày tết Trung thu của Việt Nam. Hiện nay, có rất nhiều các cửa hàng cho thuê trang phục nên bạn có thể dễ dàng tổ chức hoạt động này.

 

6. Truy tìm kho báu

Truy tìm kho báu
Tổ chức trò chơi truy tìm kho báu (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Bạn hãy dùng đồ ăn, đồ dùng học tập, đồ chơi... làm kho báu để các bé tìm kiếm. Có thể tổ chức kèm các trò chơi phụ, nếu đội nào thắng trò chơi hoặc giải được câu đố thì sẽ có gợi ý về nơi giấu kho báu.

Khi tổ chức trò chơi này cần chú ý sự an toàn của trẻ em nếu bạn giấu kho báu ở những nơi có diện tích rộng, khó bao quát trẻ.

 

7. Trò chơi đập niêu

Đập niêu là một trong những trò chơi dân gian quen thuộc của Việt Nam nhưng rất ít trẻ em ngày nay biết đến trò chơi này, đặc biệt là những đứa trẻ ở thành phố.

Đập niêu
Tổ chức các trò chơi dân gian ngày Trung thu. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Ở trò chơi này, những đứa trẻ sẽ bịt mắt và đi tới vị trí cái niêu theo sự hướng dẫn của mọi người xung quanh. Nếu đập trúng niêu, các bé sẽ được nhận phần quà giấu trong đó. Bạn hãy để những phần quà khác nhau trong mỗi niêu để tăng thêm sự tò mò, mới lạ cho các bé. Ngoài ra, ta có thể thay thế trò đập niêu bằng một số trò chơi dân gian hấp dẫn khác như: cướp cờ, nhảy bao bố, rồng rắn lên mây...

 

8. Múa rồng, múa lân

Múa lân
Múa rồng, múa lân mừng ngày Trung thu. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Hầu hết trẻ em đều rất thích thú với hoạt động múa rồng, múa lân trong tiếng trống huyên náo, sôi động. Đây cũng là một hoạt động không thể thiếu trong dịp tết Trung thu.

 

9. Tổ chức văn nghệ đêm Trung thu

Tổ chức văn nghệ đêm Trung thu
Tổ chức văn nghệ đêm Trung thu (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Ngoài các tiết mục ca nhạc, múa hát của các em thiếu nhi, bạn có thể đan xen vào chương trình các tiết mục xiếc và ảo thuât. Hãy hóa trang thành Chị Hằng, chú Cuội, chú Tễu... cùng chia sẻ với các bé về lịch sử và ý nghĩa của ngày tết Trung thu.

 

10. Rước đèn, phá cỗ

Rước đèn, phá cỗ
Tổ chức cho các bé rước đèn, phá cỗ Trung thu (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Bạn hãy cho các bé rước đèn, nhảy múa, ca hát quanh mâm cỗ Trung thu. Nếu bạn tổ chức Trung thu cho các bé ở vùng nông thôn thì có thể cho các bé rước đèn vòng quanh thôn, xóm.

Và cuối cùng là cùng nhau phá cỗ liên hoan và thưởng thức các loại hoa quả, bánh Trung thu truyền thống của dân tộc.

 

 

Tin cũ hơn: