Kết Nối Cộng Đồng - Nâng Tầm Văn Hóa
HOTLINE:
  • 0969.084.985

Vai trò của trò chơi dân gian trong giảng dạy ngôn ngữ

17-08-2021, 9:39 pm

Trò chơi trẻ em Việt Nam thường bắt nguồn từ những bài đồng dao, một thể loại văn vần độc đáo của dân tộc. Đấy là những bài ca có nhịp điệu đơn giản gieo vần một cách thoải mái, có thể ngắn dài bất kỳ hoặc lặp đi lặp lại không dứt, trong sáng, nhẹ nhàng mà hóm hỉnh, dễ nhớ, dễ thuộc. Trò chơi dân gian có nhiều thể loại phù hợp với các sở thích, cá tính khác nhau của nhiều đối tượng người chơi như sôi nổi, điềm đạm hay trầm tĩnh. Mỗi trò lại có một quy luật riêng, mang những sắc thái khác nhau khiến trẻ em chơi suốt ngày mà không thấy chán. Hơn nữa, các trò chơi dân gian Việt Nam thường giản tiện, không cầu kỳ, tốn kém nên có thể dễ dàng chơi mọi lúc, mọi nơi, dụng cụ dễ kiếm, dễ làm, chủ yếu lấy từ trong tự nhiên, thậm chí chỉ là cái gậy, hòn đá, hòn bi,…chúng có thể nhặt trong vườn, dưới ruộng là có thể lập được một hội chơi.

Trò chơi dân gian mang đến rất nhiều lợi ích cho con người, đặc biệt là trong giáo dục.

Xét về góc độ giáo dục, trò chơi dân gian có thể chia thành bốn nhóm: Loại trò chơi vận động như: Tập tầm vông, dung dăng dung dẻ, lò cò, bịt mắt bắt dê… giúp tăng cường sức khỏe, thể chất cho học sinh; loại trò chơi học tập, điển hình là chơi cờ lá, cờ lật, chơi ô ăn quan giúp phát triển trí tuệ của trẻ em, dạy cho trẻ biết quan sát, tính toán; loại trò chơi sáng tạo là những trò chơi mà học sinh có thể tự làm nên những đồ vật bằng vật liệu trong thiên nhiên như làm chong chóng bằng lá dừa, nặn con trâu bằng đất sét, xếp lá dừa thành con châu chấu… Những trò chơi này giúp trẻ khéo tay, phát huy sáng kiến, năng khiếu thẩm mỹ cần thiết cho hiện tại và cả tương lai sau này. Cuối cùng, loại trò chơi mô phỏng là những trò chơi mà trẻ bắt chước cách sinh hoạt của người lớn như làm nhà, nấu ăn, mua bán,… Trong khi chơi, trẻ thi nhau xem ai làm đúng, làm đẹp, làm nhanh hơn và thật sự hóa thân, nhập vai. Nhờ đó, trẻ học được cách ứng xử của người lớn để chuẩn bị làm người sau này,…

Theo khoa học giáo dục học, nhân cách của con người là tổ hợp những đặc điểm của cá nhân, nó được quy định hành vi xã hội và giá trị xã hội của con người đó. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách là: Vai trò của yếu tố di truyền bẩm sinh, yếu tố môi trường, yếu tố giáo dục và vai trò của hoạt động cá nhân. Với cách hiểu đó thì việc tổ chức cho học sinh chơi các trò chơi dân gian là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách học sinh.

Các trò chơi dân gian như: Nu na nu nống, thả đỉa ba ba, chồng nụ chồng hoa, bịt mắt bắt dê, chơi đu, chắt chuyền, ô ăn quan,... kèm theo các câu đồng dao rèn luyện sự khéo léo, vui đùa tập thể, xây dựng tính cộng đồng, tính linh hoạt, nhanh nhẹn.

Các trò như: Đánh khăng, ống phốc, nhảy dây, lộn cầu vồng, nhảy bao bố, đánh quay,... giúp trẻ rèn luyện sự khéo léo, kỹ năng, kỹ xảo cá nhân, khả năng tính toán, phán đoán chính xác, xây dựng tình đoàn kết, ý thức cộng đồng trách nhiệm. Lớn dần lên theo lứa tuổi lại có các trò chơi có tính chuyên môn hơn như: bắn nỏ, đẩy gậy, đi cà kheo, thi bơi, vật, ném còn,...

Các trò chơi: Trốn tìm, cướp cờ, trận giả, kéo co, chọi gà, vật tay, đá cầu chinh,… có vai trò vô cùng quan trọng trong sinh hoạt, góp phần giáo dục cho học sinh về tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sự khéo léo và sức chịu đựng của con người, giúp con người ngày càng phát triển toàn diện về trí, đức, thẩm, mỹ.

Các trò chơi: Cờ tam giác, cờ ngũ hành, ô ăn quan, giấu tìm, ném còn,… giúp các em phát triển trí tuệ, dạy cho trẻ biết quan sát, tính toán, xử lý tình huống.

Ngoài ra, việc tổ chức các trò chơi dân gian tạo ra sân chơi lành mạnh, thu hút đông đảo học sinh tham gia hoạt động tập thể giúp các em tránh các trò chơi không lành mạnh, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường; đồng thời trò chơi dân gian góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Qua đó cho thấy, trò chơi dân gian có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách học sinh. Đặc điểm tâm lý của trẻ em là thích bắt chước, tò mò, luôn muốn biết có cái gì đang diễn ra xung quanh, thích khám phá, phát hiện cái mới, tưởng tượng mô phỏng lại cuộc sống tự nhiên, xã hội. Trò chơi là món ăn tinh thần, một phần tất yếu của cuộc sống để thỏa mãn các yêu cầu tâm lý của trẻ. Việc lựa chọn các trò chơi cho phù hợp với lứa tuổi, sở thích, điều kiện của học sinh; thời lượng và phương pháp tổ chức trò chơi một cách có hệ thống, khoa học, thường xuyên; việc hướng dẫn tổ chức chơi đúng với quy luật của nó,… giúp cho các em dần dần hình thành và phát triển nhân cách theo hướng tích cực và theo ý muốn của những người làm công tác giáo dục.  

Ngành Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ thời gian qua đã tích cực hưởng ứng, tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và đạt được một số kết quả bước đầu, một số nội dung trong phong trào thi đua đã đạt được kết quả tốt; tuy nhiên, việc thực hiện 5 nội dung của phong trào thi đua nói chung, đặc biệt việc tổ chức các trò chơi dân gian trong các cơ sở giáo dục hiện nay còn nhiều hạn chế. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào thi đua góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các trường học, đáp ứng yêu cầu “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam” trong giai đoạn tới, việc tổ chức các trò chơi dân gian trong trường học là cần thiết và phải được duy trì thường xuyên. Để đưa trò chơi dân gian vào trường học có hiệu quả, vấn đề đặt ra đối với các nhà lãnh đạo, quản lý giáo dục, các thầy, cô giáo các trường học cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của trò chơi dân gian; thực hiện hiệu quả việc khai thác và phương pháp tổ chức trò chơi dân gian; phân loại, lựa chọn trò chơi cho phù hợp tâm lý lứa tuổi và mục tiêu đào tạo học sinh từng cấp học; việc bố trí thời lượng tổ chức các trò chơi; công tác bồi dưỡng, tập huấn,... nhằm mang lại hiệu quả cao nhất việc hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tin cũ hơn: