BẮN BI MỤC TIÊU
Kết quả khảo cổ học cho thấy những viên bi cổ nhất được tùy táng trong một ngôi mộ trẻ em tại Nagada, Ai Cập có niên đại khoảng ba nghìn năm trước Công nguyên. Bảo tàng Anh cũng lưu giữ những viên bi được tìm thấy ở đảo Crete, Hy Lạp có niên đại từ 2000 năm đến 1700 năm trước Công nguyên. Thời La Mã cổ đại, đánh bi là trò chơi đã khá phổ biến, đặc biệt là trong lễ hội Saturnalia với tên gọi là "nuts". Những viên bi này chủ yếu được làm bằng đá và đất sét.
Mục đích, ý nghĩa:
- Đây là trò chơi có công cụ đơn giản, cách chơi phong phú, thuận tiện nên có thể chơi cả trong nhà lẫn ngoài trời.
- Trò chơi tạo sự kịch tính, vui vẻ cho người chơi. Hơn nữa nó còn rèn luyện cho người chơi sự tập trung, chính xác.
Chuẩn bị:
Người chơi:
- Trò chơi rất đơn giản, chỉ cần từ 2 người trở lên là có thể chơi được.
Dụng cụ chơi:
Công cụ để chơi bi rất đơn giản, chỉ là những viên bi. Bi là viên hình cầu có đường kính khoảng 0,5 cm đến hơn 1 cm nhưng cá biệt có thể lớn hơn. Bi có thể làm từ đất nung (có thể sơn các màu sặc sỡ), gạch, đá hoặc thủy tinh bằng phương pháp thủ công hay sản xuất công nghiệp. Bi đất nếu làm thủ công thường có chất lượng không cao: dễ vỡ, không tròn...nên trẻ em thường chế tác một vài viên bi chất lượng tốt dùng làm bi cái khi chơi. Có hai cách phổ biến là:
- Tìm hoặc đập một viên đá nhỏ rồi dùng dao đẽo gọt cho có dạng gần hình cầu. Sau đó dùng một vật có lỗ tròn, đường kính như đường kính của viên bi định làm và miệng lỗ cứng để mài viên đá đó thành bi, gọi là xoáy bi. Vật thường dùng để xoáy bi là vỏ đạn súng trường/tiểu liên, thậm chí vỏ trai, ốc nhồi mài đều xuống nền sân cứng cũng tạo thành lỗ xoáy bi.
- Dùng một viên bi đất có sẵn rồi cũng xoáy cho thật tròn sau đó nung trong lửa thành sành.
Với những cách như vậy, làm một viên bi cái mất khá nhiều thời gian nhưng thu được viên bi bền, cứng và tròn để chơi.
Tại miền Nam bi được làm bằng thủy tinh có pha các màu sặc sở trong lòng viên bi trông rất đẹp mắt. Bi được sản xuất đại trà bằng phương pháp công nghiệp, giá thành rẻ, nên trẻ em không phải tự xoáy bi cho riêng mình.
Không gian chơi:
- Khoảng đất trống, bằng phẳng như sân nhà, sân đình,...
Kỹ thuật:
Kỹ thuật chơi chính là động tác bắn bi, ở miền Bắc có các cách thường dùng sau đây:
- Kẹp viên bi giữa ngón tay trỏ và ngón tay giữa, móng của ngón giữa tiếp xúc với đốt ngón tay cái. Nhằm về mục tiêu rồi bật ngón tay trỏ cho viên bi bắn ra.
- Ngón tay trỏ cuộn viên bi vào giữa, gập ngón tay cái vào phía trong ở phía sau bi. Nhằm về mục tiêu rồi bật ngón tay cái cho bi bắn ra.
Kỹ thuật bắn bi đòi hỏi độ khéo léo, chính xác để trúng mục tiêu theo những cự ly khác nhau. Khi bắn có thể dùng tay kia làm bệ tỳ để viên bi ở độ cao thuận lợi hơn tùy từng tình huống. Các kỹ thuật trên chỉ có độ chính xác khoảng dưới 1 mét.
Ở miền Nam:
Bi được bắn bằng 2 tay, tay trái ngón cái, trỏ và giữa kẹp viên bi, tay phải ngón cái chấm đất ngón giữa đặt sau viên bi, nhắm mục tiêu rồi bật ra. Kỹ thuật bắn này có độ chính xác đến 10 mét.
Mô tả chi tiết (luật chơi, cách chơi):
Bi lỗ:
- Đào một cái lỗ ở giữa nền đất hoặc xi măng (có đường kính hoặc cạnh khoảng 20–30 cm) gọi là lỗ khi có bi thì gọi là cọp, cách đó 1,5-2m vẽ một vạch thẳng gọi là kim. Mỗi người chơi góp một số lượng bi bằng nhau.
- Những người chơi lần lượt đôi bi cái từ vạch thẳng về phía lỗ. Viên bi của người nào dừng lại ở gần lỗ nhất nhưng không nằm trong lỗ thì người đó được quyền chơi lượt đầu tiên và cứ như thế cho đến người cuối cùng. Trường hợp bi lọt vào lỗ thì tính như nó dừng ngay tại vạch.
- Tiếp theo, người chơi bắn bi cái từ vị trí của nó vào những viên bi trong lỗ nhằm đưa những viên bi đó ra ngoài. Những viên bi bị bắn ra khỏi hòm sẽ thuộc về người chơi. Khi khai cuộc, người chơi cũng được quyền bắn thẳng vào bi trong lỗ, nếu có ít nhất một viêc bi ở lỗ bị đẩy ra ngoài và bi cái không dừng trong hòm thì người đó được tiếp tục bắn nữa. Người chơi mất lượt khi không đưa được viên bi nào ra khỏi hòm và/hoặc bi cái bị dừng lại trong hòm.
- Nếu đưa được bi trong hòm ra ngoài nhưng bi cái lại nằm trong đó thì những viên bi ấy được đưa trở lại vào hòm, thậm chí người chơi có thể bị "phạt" phải đưa thêm bi của mình vào. Những người chơi giỏi thường bắn bi sao cho bi trong hòm bắn ra ngoài còn bi cái bật trở lại rồi dừng ngay gần hòm để lần bắn tiếp theo thuận lợi hơn.
- Cuộc chơi kết thúc khi tất cả bi trong hòm đã hết. Cũng giống như đánh đáo, những viên bi người nào bắn bi khỏi lỗ sẽ của người đấy. Kết thúc cuộc chơi thì có người còn bi, người hết bi. Trong thể thức này, người chơi hay dùng những viên bi cái to, nặng để có thể từ vạch bắn ngay được bi từ trong hòm ra ngoài.
Bi 7 lỗ:
- Số lượng người chơi thường từ 3-5 người. Đào 7 lỗ bi trên nền đất, 4 lỗ đầu tiên tạo thành 1 hình vuông, lỗ thứ 5 ở tâm hình vuông, lỗ thứ 6 đối xứng với lỗ thứ 5 qua 1 cạnh của hình vuông, lỗ thứ 7 đối xứng với lỗ thứ 5 qua lỗ thứ 6. Kẻ 1 vạch cách xa khu vực lỗ (khoảng 2-3m).
- Người chơi đứng ở khu vực lỗ đưa bi về phía vạch để xác định người đi trước, gọi là "đi nhất" hoặc "thi nhất", ưu tiên bi ở trước và gần vạch nhất.
- Sau khi thi nhất, người chơi phải lần lượt đưa bi vào lỗ 4 lỗ đầu tiên trước (4 lỗ này không bắt buộc thứ tự), sau đó theo thứ tự vào lỗ thứ 5, 6, 7. Đi đúng thứ tự được đi tiếp, đi sai thứ tự hoặc ra ngoài lỗ thì chuyển lượt cho người chơi tiếp theo. Nếu sai thứ tự lỗ phải đi lại từ đầu.
- Sau khi đi hết 7 lỗ theo thứ tự đúng. Bi của người chơi có quyền "hạ sát" bi của người chơi khác, nghĩa là trong lượt đánh, nếu bi của người đó chạm vào bi người chơi khác thì người đó coi như thua cuộc. Cuộc chơi kết thúc khi chỉ còn 1 người chơi duy nhất.
Bi 1 lỗ:
- Một dạng rút gọn của bi 7 lỗ, bi của người chơi chỉ cần vào 1 lỗ duy nhất để có quyền hạ sát bi khác. Cách chơi này mang tính chiến đấu cao hơn và thường có phạm vi sân chơi rộng hơn 7 lỗ vì người chơi sẽ tìm cách tránh xa nhau.
Những trò chơi bi trên thế giới cũng tương tự như ở Việt Nam, người chơi chủ yếu dùng kỹ thuật bắn bi cái của mình vào bi khác, có khá nhiều thể thức:
Ở Anh, Mỹ, trẻ em chơi trò bi vòng:
- Gồm hai người chơi trở lên, có 13 viên bi được xếp thành hình chữ thập ở giữa một vòng tròn đường kính 10 foot. Vẽ hai vạch song song và tiếp tuyến với vòng tròn. Để xác định người được quyền chơi lượt đầu tiên, hai người đứng ở một vạch và bắn bi về phía vạch kia, bi của ai dừng lại gần hơn giành được quyền chơi trước tương tự như bi hào.
- Khi bắt đầu lượt chơi, người chơi dùng bi cái từ bất kỳ điểm nào ngoài vòng tròn bắn vào những viên bi ở trong vòng sao cho nó bật ra ngoài còn bi cái vẫn nằm trong đó. Nếu thành công, người chơi được tính điểm bằng số viên bi bị bắn ra ngoài vòng, ngược lại thì sẽ bị mất lượt.
- Nếu trong cuộc chơi, người chơi này bắn trúng bi cái của đối phương (khi nó đang ở trong vòng và đối phương vừa mất lượt) thì cũng được tính điểm.
- Cuộc chơi kết thúc khi tất cả bi đã bị bắn ra ngoài, người thắng cuộc là người ghi được nhiều điểm nhất (hoặc đạt đến số điểm mục tiêu trước). Ngoài bi vòng, còn có nhiều thể thức chơi bi với một hoặc nhiều lỗ trên mặt sân chơi, người chơi bắn bi đích xuống lỗ để ghi điểm. Mỹ tổ chức giải thi đấu đánh bi quốc gia gần như thường niên.
Ở Đông Âu, trẻ em chơi bi theo thể thức:
- Có hai lỗ, cách nhau 5-6m, ở gần một lỗ xếp 3 viên bi thành hình tam giác (vì số người chơi thường là 3). Để xác định người được chơi trước, những người chơi từ lỗ có bi bắn bi của mình vào lỗ kia, nếu bi dừng trong đó, người đó được quyền chơi đầu tiên và từ lỗ đó bắn vào một trong số những viên bi ở gần lỗ kia.
- Nếu bắn trúng thì "ăn" được viên bi ấy và được quyền bắn tiếp, nếu bắn trượt thì nhường quyền bắn cho người chơi kế tiếp. Do 3 viên bi xếp khá gần nhau nên thường đã bắn trúng viên đầu tiên thì rất dễ bắn trúng tiếp 2 viên còn lại.
Sưu tầm: Trịnh Thị Quỳnh Trang
Video minh họa: https://youtu.be/RiMbvndXrqQ
Thông tin bổ sung:
Nguồn tham khảo: Internet; ảnh:
Hashtags: #banbimuctieu; #ban-bi-muc-tieu; #thuvientrochoi