BẮT CHẠCH BẮT LƯƠN
Tên trò chơi: BẮT CHẠCH BẮT LƯƠN
Thể Loại: Trò chơi dân gian.
Dân tộc/ Khu vực: Việt Nam
Mục đích, ý nghĩa:
- Bắt chạch bắt lươn là một tục cổ, tượng trưng cho hoạt động tín giao, gắn với tín ngưỡng phồn thực, biểu hiện ước vọng sinh sôi của con người, vật nuôi và mùa màng.
- Bên cạnh ý nghĩa tín ngưỡng của người dân, trò chơi còn là phương tiện tạo ra không khí lễ hội vui nhộn cho mọi người, gắn kết người dân và tạo nên tinh thần đoàn kết.
Lịch sử:
- Tục bắt chạch trong chum ở Vĩnh Phúc có ở Tứ Trưng (Vĩnh Tường). Ngày mùng 6 tháng giêng âm lịch hằng năm, khi phiên chợ đầu tiên bắt đầu nhóm họp cũng là lúc làng Dưng tưng bừng mở hội. Hội làng được mở ngay tại khu đất chợ, nơi trông thẳng ra đầm Dưng- cái đầm nước quanh năm trong vắt và là nguồn lợi lớn của người dân trong làng.
- Có rất nhiều trò vui được tổ chức: leo cầu phao, đốt pháo thi, cờ bỏi, thi bơi thuyền và cả thi xe đạp, thi chạy... nhưng Bắt chạch trong chum là một trong những cổ tục hấp dẫn, sôi nổi nhất và chứa đựng cả triết lý, quan niệm về sự hòa hợp âm dương trong đời sống.
Số lượng người chơi: Trò chơi không phân biệt lứa tuổi. Tuy nhiên, người chơi sẽ được chia theo cặp để chơi, thường là một nam một nữ chơi chung.
Chuẩn bị:
- Dụng cụ chơi: Dụng cụ chơi là các chum cỡ vừa (cao 30-40cm), có chứa 2/3 chum là nước. Thả chạch hoặc lươn vào trong chum.
- Không gian chơi: Thường trò chơi sẽ được tổ chức tại đình làng hay sân đình hoặc khu đất trống rộng rãi.
Mô tả chi tiết (luật chơi, cách chơi):
- Để bắt đầu trò chơi, người ta bày một hàng chum, thường là 5 chiếc, mỗi chum đựng 2/3 nước và thả vào đó một con chạch. Muốn dự thi phải có hai người: một nam một nữ để cùng hỗ trợ nhau trong cuộc bắt chạch. Và đôi nam nữ này phải tuân theo lệ làng: vừa ôm nhau vừa bắt chạch! Gái dùng tay phải ôm ngang lưng trai còn tay trái khoắng vào chum nước. Trai tay phải khoắng vào chum nước còn tay trái ôm qua người con gái. Hai người vừa ôm nhau vừa bắt cho đến khi được chạch thì thôi. Đôi trai gái nào bắt được chạch đầu tiên sẽ giành giải.
- Giải thưởng là khăn lụa hồng, trà mạn, trầu cau, có khi có cả tiền. Ban giám khảo là các bô lão và quan viên trong làng. Ngồi ngắm các đôi trai gái bắt chạch, các cụ sẽ bắt bẻ nếu thấy họ mải bắt chạch mà bỏ tay ôm nhau. Vây quanh những chiếc chum để theo dõi cuộc thi hấp dẫn này, các “khán giả” vừa cười vui vẻ vừa thúc giục các đôi trai gái ôm nhau cho chặt. Cùng với một số cổ tục khác như: tế nõ nường, rước sinh thực khí, lễ hội tắt đèn, lễ hội rước đêm... được tổ chức ở nhiều vùng nông thôn trên khắp đất nước, tục “bắt chạch trong chum” ở làng Văn Trưng đã kín đáo thể hiện quan niệm hòa hợp âm dương của cha ông ta. Qua trò chơi này, nhiều đôi nam nữ trong làng đã kết tóc xe duyên, thành chồng thành vợ.
Cách chơi khác:
- Sau khi chơi bắt chạch, bắt lươn trong chum, có thể kết hợp với hoạt động chế biến trạch hay lươn thành những món ăn thơm ngon để mọi người có thể thưởng thức.
- Có thể chơi phiên bản biến thể ví dụ như sờ các con vật trong chum và đoán tên con vật đó.
Sưu tầm: Trần Thị Linh Giang
Video minh họa: https://www.youtube.com/watch?v=I_k9jt4QTz4
Thông tin bổ sung:
Nguồn tham khảo: Internet;
Hashtags: #batchachbatluon; #bat-chach-trong-chum; #thuvientrochoi