Kết Nối Cộng Đồng - Nâng Tầm Văn Hóa
HOTLINE:
  • 0969.084.985

CHƠI CHUYỀN (BANH ĐŨA)

Tên trò chơi: 

  • Miền Bắc: Chơi chuyền, cái mốt cái mai,…
  • Miền Trung: Đánh nẻ
  • Miền Nam: Banh đũa

Thể Loại: Trò chơi dân gian.

Dân tộc/ Khu vực: Việt - Việt Nam . 

Mục đích, ý nghĩa: 

  • Giống với đa số những trò chơi dân gian khác của Việt Nam, trò chơi đánh chuyền được phát triển và hình thành từ nhiều thế kỷ trước nên có ý nghĩa văn hóa sâu sắc.
  • Góp phần rèn luyện sự kheo tay, nhanh nhẹn và tinh mắt cho người chơi.
  • Tạo không khí vui chơi sôi nổi, thư giãn.

Số lượng người chơi: 

Chơi chuyền không giới hạn số lượng người chơi. Càng đông người tham gia, trò chơi càng hấp dẫn và trở nên thú vị hơn. Người chơi có thể chơi một mình hoặc là chơi theo nhóm. Hoặc nếu đông nguòi tham gia, có thể chia làm các nhóm thi đấu với nhau.

Chuẩn bị: 

1. Dụng cụ chơi: 

Để chơi chuyền cần chuẩn bị dụng chơi bao gồm 10 que nhỏ gọi là que chuyền và một quả nặng. Que chuyền có thể được vót bằng tre hoặc nứa, thân nhỏ và dài hoặc có thể sử dụng đũa. Một bó que dài 10 cái, mỗi cái dài độ 20cm hoặc dài bằng cây đũa, vót nhẵn. Quả nặng để chơi chuyền ngày xưa được sử dụng bằng trái cà, trái chanh. 

2. Không gian chơi: 

Trò chơi chuyền là trò chơi tĩnh, người chơi ngồi tại chỗ không cần di chuyển, vì vậy bạn có thể tiến hành tổ chức trò chơi ở bất cứ đâu như sân chơi, trong nhà,.... Tuy nhiên trò chơi chuyền có hành động liên quan đến tung bóng, đỡ bóng, vì vậy nên tránh các không gian bị vướng ở phía trên, để bóng không đánh trúng.

 

3. Học thuộc bài đồng dao: 

Trò chơi chuyền gắn liền với bài đồng dao cùng tên với lời thơ khá dài. Vì vậy trước khi chơi, người chơi nên được học thuộc trước lời đồng dao. 

 

Mô tả chi tiết (luật chơi, cách chơi):

Cách chơi:

   

- Mỗi người chơi oẳn tù tì để sắp xếp thứ tự chơi của mình. Ở mỗi lượt chơi của mình, mỗi người chơi cần trải qua 10 bàn chuyền một tay và 10 bàn chuyền hai tay. 

 

- Mỗi bàn truyền một tay cần tiến hành hai hành động sau: giải que truyền xuống chân và nhặt que truyền.

 

+ Giải que chuyền: là hành động đầu tiên của mỗi bàn. Người chơi, duỗi thẳng một chân, dùng một tay  ngược lại với chân cầm cả quả nặng và 10 que chuyền. Tung quả nặng lên cao ( nhưng không làm tung que chuyền). Trong lúc quả nặng bay lên không trung, người chơi nhanh chóng dùng tay trải 10 que truyền làm dọc ống chân đang duỗi. Khi quả nặng rơi xuống, lại nhanh tay dùng chính tay ban đầu để đỡ quả nặng. 

 

+ Nhặt que chuyền: sau bước giải que chuyền, người chơi tiến hành nhặt que chuyền. Qủa nặng được cầm ở một tay, sau đó tung lên không trung. Trong lúc quả nặng trên không trung, người chơi nhanh chóng dùng chính tay vừa cầm bóng để nhón lấy số que cần nhặt ở mỗi bàn. 

 

Ví dụ: người chơi chơi ở bàn 1, cần nhón lấy 1 que chuyền 1 lần. Chơi ở bàn 2, cần lấy 2 que chuyền một lần.

 

- Người chơi vừa nhặt vừa hát bài hát đồng dao theo bàn tương ứng. Sau khi nhặt hết số que chuyền, người chơi lại chuyển sang bàn tiếp theo. 

 

- Sau khi hết 10 bàn chuyền một tay, người chơi sẽ chuyển sang chuyền bằng hai tay cũng bằng cách tung quả năng lên cao, đồng thời dùng 2 tay nắm 10 que chuyền ở giữa và xoay một đến hai vòng tại chỗ. Bàn chuyền hai tay cũng cần thực hiện 10 lần. Đoạn này tương ứng với đoạn hát đồng dao “ Chuyền chuyền một, một đôi…”

 

- Sau 10 lần thực hiện, người chơi được coi là hoàn thành một lượt chơi chuyền và được 1 điểm.

 

- Nếu trong quá trình chơi, người chơi làm rơi que chuyền hoặc rơi bóng, lượt chơi sẽ chuyển cho người tiếp theo. Khi lại tới lượt, người chơi sẽ chơi lại bàn khi nãy đã bị lỗi.

 

- Người chơi nào chơi được nhiều lượt chơi chuyền hơn hoặc kết thúc sớm hơn là người chiến thắng.

Đồng dao:

Bài hát khi chơi chuyền có nhiều lời ( tùy từng vùng) và dành cho các bàn khác nhau trong ván chơi: Bàn một, bàn hai…và bàn mười là khó nhất. Thông thường là các bài văn vần. Dưới đây là lời đồng dao chơi chuyền phổ biết nhất.

 

Bàn một

“Cái mốt, cái mai

Con trai, con hến

Con nhện chăng tơ

Quả mơ, quả mận

Cái cận, lên bàn đôi”

Hoặc

“Cái mốt, Cái mai, Con trai, cái hến, con nhện, vương tơ, quả mơ, quả mít, chuột chít, lên bàn đôi.”

Bàn hai

“Đôi chúng tôi

Đôi chúng nó

Đôi con chó

Đôi con mèo

Hai chèo ba”

Hoặc

“Đôi tôi, đôi chị, đôi cành thị, đôi cành na, đôi lên ba”

Bàn ba

“Ba đi xa

Ba về gần

Ba luống cần

Một lên tư”

Hoặc

“Ba đi ra, ba đi vào, ba cành đào, một lên tư”

Bàn bốn

“Tư củ từ

Tư củ tỏi

Hai hỏi năm”

 

Hoặc

“Tư ông sư, tư bà vãi, hai lên năm.”

 

Bàn năm

“Năm em nằm

Năm lên sáu”

Hoặc

“Năm con tằm, năm lên sáu”

Bàn sáu

“Sáu lẻ tư

Tư lên bảy”

Hoặc

“Sáu của ấu, Bốn lên bảy.”

Bàn bảy

“Bảy lẻ ba

Ba lên tám”

Hoặc

“Bảy lá đa, ba lên tám.”

Bàn tám

“Tám lẻ dôi

Đôi lên chín”.

 

Hoặc

“Tám quả trám, hai lên chín.”

 

Bàn chín

“Chín lẻ một, mốt lên mười.”

Hoặc

“Chín cái cột, một lên mười.”


 

Bàn mười

“Ngả năm mươi, mười quả đấm, chấm tay vỏ, bỏ tay chuyền.”

 

Chuyền hai tay (10 bàn)

“Chuyền chuyền một, một đôi

…. Tương tự cho đến bàn mười

 


Video minh họa:

Thông tin bổ sung: 

Nguồn tham khảo: Internet;

Hashtags: #choichuyen; #choi-chuyen; #thuvientrochoi

Trò chơi tương đồng