Kết Nối Cộng Đồng - Nâng Tầm Văn Hóa
HOTLINE:
  • 0969.084.985

TRÒ CHƠI ĐÁNH QUẢ KẸNG (ĐÁNH GỤ)

 

Trò chơi dân gian được lưu truyền phổ biến ở nhiều vùng đất nước vào những thập kỷ 70, 80, 90 của thế kỷ trước. Ngày nay, trò chơi này vẫn được trẻ em một số vùng quê lưu giữ và giải trí cùng nhau sau giờ học, trong những buổi chăn trâu, cắt cỏ… Đây là trò chơi ngoài trời chủ yếu dành cho các bé trai nhưng cũng còn được thanh niên và những người già chơi, nó có thể có những tên gọi khác như đánh tu lu (người Mông)...

 

 

Tên trò chơi:

Trò chơi "đánh quả kẹng"  còn được gọi là đánh quay, đánh cù hoặc đánh gụ, là một trò chơi dân gian phổ biến ở hầu hết các sắc tộc của Việt Nam.

 

Lịch sử:

- Chơi đánh quả kẹng là một trò chơi ưa thích của trẻ con ngày xưa, ngày nay đã ít và dường như không thấy xuất hiện ở các đô thị. Ở Hà Nội xưa, có thể tìm mua quay trên Phố Tố Tịch hoặc Phố Hàng Quạt.

- Theo các kết quả khảo cổ học thì con quay là một trong những loại đồ chơi rất cổ xưa của loài người. Trò chơi tương tự đánh quả kẹng ở Việt Nam, có thể thấy ở nhiều vùng trên thế giới: 

+ Ở các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,... chơi quay cũng là trò chơi dân gian khá phổ biến, trò này còn được chơi ở bang Tamil NaduẤn Độ (gọi là bambaram), ở Philippines (gọi là trumpo)...

+ Trò trompo (từ tiếng Tây Ban Nha để chỉ con quay) được chơi phổ biến ở các nước Mỹ Latin, México, Peru, Colombia, Nicaragua,... thường tổ chức những cuộc thi chơi trompo. Trompo được cho là du nhập từ Nhật Bản khi người México đưa nó về.

Mỹ còn tổ chức giải vô địch quốc gia về chơi quay ở Chico, bang California và giải vô địch thế giới ở Orlando, bang Florida.

 

Thể Loại trò chơi:

Trò chơi dân gian.

 

Dân tộc/ Khu vực chơi:

Việt - Việt Nam

 

Mục đích, ý nghĩa trò chơi:

Vui chơi, giải trí

 

Số lượng người chơi:

Trò chơi thường chơi theo các cá nhân với nhau, số lượng từ 3 - 5 người cùng thi đấu. Trò chơi này cần yếu tố sức khỏe và khéo léo

 

Chuẩn bị chơi:

Dụng cụ chơi

Để chơi được trò Đánh quay, mỗi người chơi cần chuẩn bị các dụng cụ chơi riêng của  mình bao gồm:

- Con quay: thường được làm bằng gỗ tốt, bền, thường là gỗ xoan; hoặc thứ gỗ gì dễ đẽo. Con quay có cấu tạo gồm 3 phần chủ yếu là thân, đinh quay và mấu để quấn dây.

+ Thân được chế tác theo hai hình dạng chính: hình quả chuông và hình nón cụt. Con quay thân hình quả chuông gọi là cù chuối hay quay chuối; con quay có thân hình nón cụt gọi là cù dái dê hay quay dái dê.

+ Đinh quay được đóng dọc theo trục thân quay ở phía nhỏ hơn của nó. Ở một số dân tộc, thân có phần cuối nhọn để làm đinh quay mà không cần dùng đinh đóng vào. Đinh sắt được cắt đi phần mũ thường được dùng làm đinh quay và nếu đầu quay đập dẹt thì gọi là đinh tràng. Ngoài ra bi sắt loại nhỏ cũng có thể dùng làm đinh quay và gọi là đinh bi. 

+ Mấu để quấn dây của cù dái dê thường ở đầu có đinh còn của cù chuối lại ở đầu kia và đối với cù chuối thì bộ phận này gọi là tu. Con quay được làm thủ công hoặc tiện bằng máy có kích thước từ nhỏ đến to tùy ý thích và phù hợp với người chơi. Để tránh bị hư hại khi bị đinh của con quay khác bổ trúng, ta còn có thể được bọc kim loại, trẻ em hay dùng vỏ đạn cỡ nhỏ hay tôn, sắt.

 - Dây quay: dây quay được làm từ sợi có độ bền cao (sợi bện, dây đay, dây len, dây gai hoặc dây bằng vật liệu tổng hợp...) để có thể sử dụng lâu dài; chiều dài và kích thước của dây phù hợp với sải tay của người chơi cũng như kích thước con quay.

Không gian chơi:

Trò chơi quay cần được tổ chức tại nơi có mặt sân bằng phẳng, sạch sẽ, không gian rộng rãi thoáng đãng như sân trường, sân chơi...

 

Cách chơi, luật chơi:

Kỹ thuật

- Quấn dây: Trước khi bắt đầu chơi quay, người chơi cần biết quấn dây quay vào con quay. Cần quấn chặt dây quay vào con quay bắt đầu từ điểm mấu quấn dây tiếp xúc với thân quay, rồi quân dần lên trên. Người chơi giữ chặt đầu dây còn lại (hoặc quấn vào ngón tay) để chuẩn bị động tác ra quay hoặc bổ quay.

- Bổ quay: Đây là kỹ thuật quan trọng nhất của chơi đánh quay. Người chơi giữ chặt đầu dây còn lại (hoặc quấn vào ngón tay) để bổ con quay, nghĩa là lăng cho con quay văng ra và thường kết hợp với lực giật đầu dây đang giữ để con quay quay được nhiều vòng hơn. Theo động tác bổ có thể phân ra thành ba cách chính.

- Ra quay: được sử dụng khi bạn muốn đưa con quay của mình thoát khỏi dây cuốn và bắt đầu quay vòng tròn trên mặt đất. Khi đó, người chơi hơi cúi xuống và khuỵu chân, để con quay ở khoảng ngang bụng rồi lăng con quay ra, tay giật dây di chuyển gần như song song với mặt đất.

 - Bổ thượng: người chơi đứng thẳng, tay cầm quay cao ngang gáy rồi ném quay xuống theo phương thẳng đứng, tay giật dây di chuyển từ dưới lên trên.

- Bổ vát: cách thực hiện gần như bổ thượng nhưng không theo phương thẳng đứng mà theo đường chéo. Do vị trí của mấu quấn dây khác nhau nên khi bổ thượng hoặc bổ vát vị trí chuẩn bị của con quay cũng khác nhau ở hai loại con quay. Cù chuối được để đầu có định hướng lên trên còn cù dái dê thì ngược lại.

 

Cách chơi

Cái thú vị nhất của chơi quay chính là hình thức đánh, ở mỗi vùng, mỗi bản có hình thức đánh riêng như:

- Chơi biểu diễn

Những người tham gia theo hiệu lệnh cùng bổ con quay xuống mặt sân chơi, con quay của ai quay được lâu nhất thì coi là thắng cuộc. Chơi biểu diễn còn có thể vẽ một vòng tròn trên mặt đất rồi cho con quay quay trong đó.

- Hầm

Những người chơi cùng thực hiện bổ con quay, một hoặc nhiều người chơi (tùy thỏa thuận) có con quay dừng sớm nhất sẽ bị hầm, nghĩa là phải để cho những người khác bổ con quay vào con quay của mình. Thể thức này cũng có thể chia làm hai phe để chơi, hai bên cử một đại diện ra để xác định đội bị hầm.

- Ăn vố, trả vố 

Đây là thể thức thường dùng khi chỉ có hai người chơi, mỗi người sẽ lần lượt đặt hoặc cho con quay của mình quay để người còn lại bổ. Ngoài ra còn có hình thức  chơi tự do hay chơi đồng đội như sau:

- Chơi tự do

Là  không phân biệt người chơi và người đánh, nếu đánh trượt thì phải đi quay và người nào đánh trúng thì được đánh tiếp, còn những người quay trước không bị người khác đánh trúng thì lại được đánh.

- Chơi theo đồng đội

Chia đều những người tham gia thành hai đội, mỗi bên có từ 3 đến 5 người, thậm chí lên đến 10 người. Theo hình thức đồng đội thì chỉ cần một người trong đội đánh trúng và thắng được đối phương là coi như đội đó thắng. Đánh quay không phải như nhiều người thường nghĩ là hai bên cùng ném con quay xuống đất, bên nào bị đổ trước là thua mà phải có luật lệ riêng.

 

Sừu tầm: Nguyễn Bá Diệu Linh

Video minh họa:

Link chi tiết: https://www.youtube.com/watch?v=q1q49ETk0Kk

Thông tin bổ sung:

Nguồn tham khảo: Internet; ảnh:

Hashtags: #danhquakeng; #thuvientrochoi

Trò chơi tương đồng