ĐÁNH TRẬN GIẢ
Phần 1: Tên gọi – Ý nghĩa – Lịch sử
- Tên gọi
- Cái tên “Đánh trận giả” thể hiện được rằng trò chơi này chỉ diễn ra một trận đấu giả theo nhiều lối chiến thuật dựa trên những trận chiến trong đời thật.
- Ý nghĩa
- Trò chơi dân gian “Đánh trận giả” đề cao tinh thần thượng võ nhân dân ta, sẵn sàng tham gia chống giặc ngoại xâm. Trò chơi còn rèn cho chúng ta sức mạnh, sự mưu trí, kỹ năng chiến đấu.
- Lịch sử
- Trước đây, “Đánh trận giả” phổ biến khắp các làng quê Việt Nam. Trò chơi xuất phát từ lịch sử chống giặc của nước nhà nên đã sáng tạo ra trò chơi này – vừa chơi và cũng là học đánh giặc. Xưa có câu chuyện cậu bé Đinh Bộ Lĩnh đánh trận cờ lau cho thấy trò chơi này đã được sáng tạo ra từ rất lâu đời.
Phần 2: Chuẩn bị
Người chơi
- Trò chơi không giới hạn số lượng người chơi, càng đông càng vui, càng tăng sự kịch tính, thú vị, gay cấn. Người chơi chia thành 2 đội để thi đấu với nhau.
Không gian chơi
- Không gian chơi không giới hạn. Người chơi có thể chọn những khoảng đất trống bằng phẳng nếu đối tượng chơi là trẻ nhỏ. Hoặc có thể chọn những địa hình phức tạp, thêm các thử thách khó khăn nhưng phải phù hợp với độ tuổi.
Dụng cụ chơi
- Sáng tạo ra “vũ khí đồ chơi” bằng các vật dụng gần gũi, an toàn, ví dụ: súng làm bằng khúc gỗ, đoạn tre,…; đạn thì làm bằng quả mùng tơi, quả xoan,…; khiên làm bằng tàu lá chuối, thúng, lia,… Không giới hạn sáng tạo – cần đảm bảo yếu tố an toàn.
Kỹ thuật
- Kỹ thuật ẩn nấp: người chơi phải tìm các góc khuất hay vật cản lớn để ẩn nấp tránh khỏi sự tấn công của đối thủ cũng như tạo điểm tựa để tấn công đối phương bất ngờ từ xa.
- Kỹ thuật tấn công: Nhắm trúng đối thủ và tấn công bằng “vũ khí đồ chơi” đem theo.
- Lên chiến thuật: tùy thuộc vào kiến thức, sự hiểu biết của người chơi sẽ bàn bạc với nhau trước để đưa ra những chiến thuật chơi hợp lý.
Phần 3: Cách chơi
- Khi có hiệu lệnh, hai đội chơi chia quân ra vào vị trí của mình, nấp vào chỗ kín.
- Khi có bất kỳ quân địch nào nhô đầu lên thì phải bắn luôn, miệng liên tục kêu “Pằng! Pằng!”. Người chơi phải bắn chính xác và kêu đúng tên người bị bắn, ví dụ: “Pằng! Xyz chết”.
- Trò chơi cứ thế diễn ra cho tới khi một trong hai đội không còn người sống hoặc tới khi có tín hiệu kết thúc trò chơi, đội nào còn nhiều người sống thì đội đó thắng.
- Cách chơi khác: ngày nay với sự phát triển hiện đại hơn, “đánh trận giả” phổ biến hơn với phiên bản bắn súng sơn. Tuy nhiên loại hình này chỉ phù hợp với người lớn.
Sưu tầm: Vũ Thị Nhật Lệ
Nguồn: Internet
#thuvientrochoi #danhtrangia