Kết Nối Cộng Đồng - Nâng Tầm Văn Hóa
HOTLINE:
  • 0969.084.985

TRÒ CHƠI ĐUA GHE NGO

 
Trò chơi "đua ghe Ngo" xuất phát từ đặc điểm cuộc sống của cộng đồng cư dân lúc bấy giờ ở vùng sông nước cho nên khởi đầu họ đã làm nên chiếc ghe độc mộc dùng để làm phương tiện đi lại, đồng thời chiếc ghe Ngo cũng là vật linh thiên dùng ghe Ngo để đưa nước từ ruộng đồng ra biển cả, đánh dấu sự kết thúc của một năm đồng áng. Những cuộc mưu sinh để chống chọi với thiên nhiên và đàn thú dữ thường được tổ chức đi thành từng đoàn, do đó chiếc ghe độc mộc lúc bấy giờ có phần bất tiện, không khả năng đáp ứng được sức tải nhiều người theo yêu cầu, nên họ phải sáng kiến đóng chiếc ghe dài ra để chở được nhiều người, phục vụ cho cuộc sống mưu sinh của cộng đồng.
 

 

Tên trò chơi:

Trò chơi "đua ghe Ngo"

 

Thể Loại trò chơi:

Trò chơi dân gian.

 

Dân tộc/ Khu vực chơi:

Khmer - Việt Nam

 

Mục đích, ý nghĩa trò chơi:

Đây được coi là hoạt động rước đặc trưng của cư dân nông nghiệp lúa nước đặc biệt là người Khmer Sóc Trăng, thể hiện sự biết ơn đối với thần nước đã phù hợp cho người dân một mùa màng bội thu. Tuy nhiên, không chỉ đơn giản là vậy, phong tục "đua ghe Ngo" còn chứa rất nhiều ý nghĩa thiêng liêng vừa là nghi thức truyền thống tiễn đưa thần Nước sau mùa gieo trồng về với biển cả, cũng là nghi thức tôn giáo của người Khmer tưởng nhớ rắn thần Nagar xưa từng biến thành đoạn gỗ đưa đức Phật qua sông.

 

Truyền thuyết khác về ghe Ngo

- Theo dân gian kể rằng ngày xưa có công chúa Neng Chanh (Nàng Chanh) có tài sắc vẹn toàn được nhà vua rất yêu chuộng. Từ lòng ganh ghét ti tiện nên một tên quan đại thần đã vu cho nàng tội bỏ chất cáu bẩn ở móng tay vào nồi canh của vua. Biết mình không còn cách nào minh oan, Neng Chanh vội vã xuống thuyền xuôi theo sông Ba Sắc chạy trốn. Nhà vua cho quân lính đuổi theo hạ sát nàng. Biết không thể thoát thân, định mạng đã đến, nên Neng Chanh vội vã ném chiếc ống nhổ (người Khmer gọi là Kon thô) là kỷ vật được Nhà vua ban tặng trước đó xuống vàm sông và nơi đó sau này người Khmer gọi là “Peam Kon thô” (Peam là vàm, Kon Thô là ống nhổ; người Việt gọi vàm Ống Nhổ - nay gọi vàm Dù Tho) và kết cục nàng bị vua xử trãm một cách thương tâm. Từ truyền thuyết đó, nên trong dân gian Khmer tương truyền: để tưởng nhớ Neng Chanh tài hoa bạc mệnh, hàng năm cư dân Khmer quanh vùng tổ chức đua ghe Ngo để diễn lại cảnh Neng Chanh chạy trốn khỏi hoàng cung đến vùng đất Ba sắc – nay là Sóc Trăng.

- Ngoài ra, người Khmer tin rằng ghe Ngo cũng là vật thiêng liêng. Nhất cử nhất động với ghe Ngo đều phải làm lễ cầu xin. Các lễ vật gồm: 1 S'la tho làm bằng trái dừa khô gọt bỏ vỏ, 1 chôm, 1 kanh tôn, một chung dầu dừa, một đùm tóc rối, một trứng gà, nữa ly huyết gà, bông trắng, mâm cơm, rượu, đầu heo, hoặc con gà luộc và có cả dàn nhạc. Các lễ vật được bày cúng trên một chiếc chiếu rộng trước mũi ghe Ngo.

-  Vào lễ, thầy cúng thắp nhang, đèn. Tiếp đó nhạc nổi lên tấu khúc mời gọi thần linh với nội dung bài hát:

Khmau ơi srây Khmau (Khmau ơi nàng Khmau)
Neng môk pro-nhăp. (nàng hãy đến mau)
Neng môk ôi chhăp. (Nàng đến thật nhanh)
Chuôi chea kom-lăng. (Tiếp thêm sức mạnh)
Ô mă sâth thih sva hă! (câu thần chú).

 

Đặc điểm của ghe Ngo

- Ghe Ngo không phải là sản phẩm của bất kỳ cá nhân hay tập thể nào. Mỗi chiếc ghe ngo là do một ngôi chùa làm, đại diện cho một hay nhiều phum sóc người Khmer tạo ra và tham gia tranh tài. 

- Mỗi chiếc ghe có một biểu tượng riêng. Việc chọn biểu tượng ghe Ngo liên quan đến địa danh, hay quan niệm truyền thống của mỗi chùa. Biểu tượng ghe đại diện cho một tổ chức, thể hiện quyền uy của chiếc ghe, chẳng những là dấu hiệu để ghi nhớ mà còn bộc lộ sức mạnh của ghe đua. Thông thường, biểu tượng của ghe ngo là các con vật có sức mạnh, hoặc có khả năng chạy nhanh,…

- Mỗi ghe làm phải đảm bảo cho từ 40 đến 60 người ngồi bơi và chỉ huy. Dù cho ghe có bao nhiêu vận động viên, nhưng luôn luôn có ba người điều khiển, một người ngồi mũi chuyên về chỉ đạo tâm linh của ghe đua, tổ chức lễ cúng xuống ghe, chỉ huy toàn ghe, điều khiển kỹ thuật bơi của ghe đua; một người ngồi giữa và một người ngồi đuôi giữ nhiệm vụ thổi còi để thúc giục và điều chỉnh kỹ thuật bơi của các vận động viên. 

- Hai bên thân, mũi và đuôi ghe được trang trí hoa văn, màu sắc phù hợp với biểu tượng của ghe để tạo thêm khí thế. Đầu mỗi chiếc ghe đều vẽ hai mắt nổi. Hai mắt ghe cũng được vẽ cho phù hợp với biểu tượng của ghe.

 

Số lượng người chơi:

Mỗi đội có từ 40-60 người chơi.

 

Chuẩn bị chơi:

Không gian chơi: Các khu vực hồ, song nước lớn được cấp phép đua ghe Ngo.

 

Cách chơi, luật chơi:

- Đua cự li 1000m với đội tuyển nữ và 1200m với đội tuyển nam

- Các đội sẽ cùng đứng tại vạch xuất phát, sau khi nghe hiệu lệnh tất cả thành viên trên ghe sẽ chèo theo hiệu lệnh của chỉ huy ghe sao cho đồng đều nhất.

- Đội nào chèo cả ghe vượt qua vạch đích đầu tiên sẽ là đội chiến thắng

 

Sưu tầm: Kiều Khánh Ly

Video minh họa:

Link chi tiết: https://www.youtube.com/watch?v=OcIkMGdq0tg

Thông tin bổ sung:

Nguồn tham khảo: Internet; ảnh:

Hashtags: #duaghengo; #thuvientrochoi

Trò chơi tương đồng